ACCESS DESIGN LAB ACCESS DESIGN LAB

DANH MỤC

KTS. Trần Quang Trung: “Tôi hy vọng làm được gì đó tốt cho Đà Lạt”

Chỉ là một cuộc chơi – chơi đúng chất của 11 “ông kiến” thế hệ 7X – 8X ở Hà Nội trong nhóm WEPLAY, bằng một triển lãm các đồ án thiết kế kiến trúc có tên gọi Phù sa, người xem nhận ra trong đó một công trình khác lạ, được tác giả gọi là kiến trúc hoài niệm, giữ lại chút nên thơ, dịu dàng của Đà Lạt ngày xưa.

Cùng ngày khi quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt được công bố, KTS. Trần Quang Trung ở Hà Nội cũng trình làng thiết kế đặc biệt cho một chủ đầu tư ở Đà Lạt tại triển lãm Phù sa, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Được biết đến là một người cầu toàn, duy mỹ, với hơn 14 năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn, công ty thiết kế kiến trúc lớn của nước ngoài tại Việt Nam, Trung được anh em trong nghề nhận định luôn có những thiết kế quái, độc, thực sự khác biệt. Tách biệt khỏi môi trường làm việc cùng công ty nước ngoài, Trung lập nên ACCESS Design Lab từ 2015, với định hướng như một “phòng thí nghiệm” – nơi tạo ra những sản phẩm kiến trúc độc đáo, làm những gì mà chính bản thân Trung yêu thích, với tinh thần dấn thân để thực hiện.

KTS .Trần Quang Trung trong buổi nói chuyện, chia sẻ về triết lý thiết kế, tiếp cận kiến trúc của bản thân

Trong buổi nói chuyện đề tài “Hành nghề, cá nhân và trải nghiệm”, trong khuôn khổ triển lãm của nhóm WEPLAY, Trần Quang Trung đã có những chia sẻ rất mộc về ngôn ngữ kiến trúc của mình: “Có hai loại kiến trúc tôi theo đuổi, đó là kiến trúc ký ức, kỷ niệm, gợi về những nơi mình đã đi qua. Cái thứ hai là kiến tạo thế giới viễn tưởng, với tòa nhà cao tầng, văn phòng, quán cà phê, nhà trưng bày, nhà hàng… rất ít công trình nhà ở, nhưng mang các công năng trong mơ. Các dự án này khi ra đời phần nhiều bị rớt, bởi ngoài chuyện khó khăn trong ý tưởng thiết kế, còn phải tìm ra một bối cảnh phù hợp, một vị trí trong mơ, một khách hàng trong mơ, dám bỏ thật nhiều tiền làm dự án ấy – mà lại không dành để ở. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định theo đuổi con đường thiết kế như thế, và tận dụng mọi cơ hội để thử thách, trải nghiệm bản thân mình, đưa các thiết kế của tôi vào những dự án, tham gia các cuộc thi, và chờ đợi”.

Một triển lãm thiết kế theo phong cách viễn tưởng, UTOPIA của Trần Quang Trung (góc phải)

Gia nhập nhóm kiến trúc sư WEPLAY – chúng ta cùng chơi, một cuộc chơi với kiến trúc của những người làm nghề, Trung cũng có thêm những trải nghiệm khác biệt, ấy là: “Chính khách hàng là người rủ kiến trúc sư chơi cùng”. Trong triển lãm Phù sa, Trung mang đến một công trình được rủ “chơi” cùng chủ đầu tư, đang trong giai đoạn thi công, đấy là một nhà nổi trên mặt hồ, mục đích để gia chủ tiếp khách, là chỗ chơi, với công năng chính là phòng ăn, cùng phòng karaoke và bida. Trung đẩy giới hạn những thiết kế của mình vượt ngưỡng khuôn phép, vượt cả những hình dung của chủ đầu tư bởi không ngờ lại có nhà kỳ quặc đến vậy.

Trở lại với câu chuyện Đà Lạt, Trung kể: “Chủ đầu tư là một khách hàng thân thiết người Đà Lạt, muốn giao thực hiện công trình trên mảnh đất ở Đà Lạt, có đồi dốc, có hồ nước… Nhớ lại hồi nhỏ, mình được ba cho đi Đà Lạt. Kỷ niệm với Đà Lạt còn lại trong tâm trí là những ngày mưa, là rừng thông, là tiếng gió, là những lần đi trên triền dốc. Thế nên khi nghe về Đà Lạt, mình hình dung sẽ thực hiện một công trình kiến trúc không chỉ lý tính đơn thuần, mà còn phải bao hàm cả cảm xúc trong đó”.

Không gian trưng bày trong triển lãm Phù sa của WEPLAY

Nhận thiết kế, tư vấn một công trình đầu tay ở Đà Lạt, nhưng khi trở lại đô thị này, Đà Lạt đã không còn như xưa, ngoài những ký ức, thực tế Đà Lạt hôm nay chẳng đem lại cho Trung tí cảm xúc nào. Ngay cả mảnh đất cho công trình, có hồ nước, có đường dốc, ta luy… nhưng không đủ gợi về một Đà Lạt của ngày xa xưa.

Bẵng đi một năm sau đó, đến tháng 11.2018, chủ dự án quyết định chính thức thực hiện dự án. Một năm dài với bao suy nghĩ, ý tưởng hỗn loạn cho công trình, và đến khi trở lại mảnh đất dự án, chỉ sau một năm, mọi thứ lăng nhăng đã mọc lên với ba căn biệt thự, rồi công trình nhà cao tầng…, dấu chỉ cho thấy Đà Lạt đang biến dạng từng ngày.

Khách tham quan trước hoài niệm Đà Lạt của Trần Quang Trung

Để đưa ý tưởng của chủ đầu tư, của ký ức Đà Lạt bản thân vào công trình, với cùng mục đích góp phần làm đẹp tối đa cho Đà Lạt, Trung chia sẻ trong buổi nói chuyện: “Để thực hiện công trình này, tôi phải đọc rất nhiều về Đà Lạt, nghe ca khúc, xem phim về Đà Lạt, gặp gỡ các tác giả viết về Đà Lạt, thuê xe máy lang thang Đà Lạt thăm các công trình cổ xưa, trò chuyện cùng những nhân chứng sống đã cả đời gắn bó với Đà Lạt…”. Từ đó những cảm xúc được thể hiện qua thiết kế của Trung một cách nhẹ nhàng, sử dụng giải pháp đặt kiến trúc lên mặt phẳng sẵn có, khai thác tối đa đường dốc và tính liên tục trong khu đất dự án, tạo thành không gian huyền ảo, nên thơ như gợi lại những gì nguyên sơ nhất của Đà Lạt.

Chốt lại buổi nói chuyện, chia sẻ về nghề trước các đồng nghiệp và anh em giới kiến trúc tại Hà Nội, Trần Quang Trung ngắn gọn: “Tôi hy vọng làm cái gì đó tốt cho Đà Lạt”. Chợt nghĩ, không chỉ Đà Lạt, mà cả kiến trúc Việt nói chung, cần nhiều hơn nữa những kiến trúc sư có tâm, để cho đời những công trình giá trị, đáng chiêm ngưỡng và tự hào hơn là hóa thành kẻ phá bĩnh.

Phù sa là triển lãm các đồ án thiết kế kiến trúc của nhóm kiến trúc sư WEPLAY gồm lãnh đạo các công ty, văn phòng thiết kế kiến trúc tại Hà Nội: KTS. Vương Đạo Hoàng – Studio 102, KTS. Phạm Thanh Huy – 282 Design Studio, KTS. Nhâm Chí Kiên – APDI, KTS. Trần Ngọc Linh – Idee Architects, KTS. Hồ Mộng Long – HML Architect, KTS. Nguyễn Hồng Quang – TOOB Studio, KTS. Nguyễn Thái Sơn – SAA, KTS Lê Quang Thạch – Nội thất AVALO, KTS. Trần Quang Trung – ACCESS Design Lab, KTS .Hoàng Minh Tuệ – Rays Architecture Vietnam.

Lam Phong
Báo Người Đô Thị

https://nguoidothi.net.vn/kts-tran-quang-trung-toi-hy-vong-lam-duoc-gi-do-tot-cho-da-lat-17918.html

Share:

Copyright 2019 by
ACCESSDESIGNLAB